Diễn đàn › Diễn đàn › Chuyện Du Học › NÊN ĐI DU HỌC VÀO THỜI ĐIỂM NÀO?
- This topic has 0 phản hồi, 1 voice, and was last updated 1 year, 11 months trước by Thay Tony.
-
Người viếtBài viết
-
Tháng Một 9, 2023 vào lúc 7:38 sáng #291Thay TonyQuản lý
Thực tế, không có một tiêu chuẩn hay một câu trả lời chung cho mọi trường hợp, vì thời điểm du học thích hợp phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Du học là một bước ngoặt lớn trong đời nếu bạn từng một lần trải qua. Để du học có kết quả tốt, bạn cần chuẩn bị một hành trang thật tốt như về nền tảng kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm sống. Những yếu tố đó sẽ quyết định thời điểm “chín muồi” để bạn đi du học. Với những bạn xuất sắc, ngoại ngữ tốt, từng trải sớm, dễ thích nghi, có thể thực hiện thành công giấc mơ du học của mình từ bậc phổ thông trung học. Nhiều người, vì nhiều lý do, đã chọn du học ở các thời điểm sau đại học.
Kiến thức cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của bạn ở xứ người. Tôi muốn nói đến cả lý thuyết và thực hành (đối với các chuyên ngành liên quan đến thí nghiệm). Nếu thiếu kiến thức cơ bản, bạn sẽ rất vất vả để có thể theo kịp và hoàn thành khóa học của mình ở nước ngoài. Thử tưởng tượng, khi đi du học, bạn bị hổng kiến thức cơ bản và không hiểu được những nội dung mình đang học hoặc không có các kỹ năng thí nghiệm cơ bản nhất của chuyên ngành mình đang học, cộng với nhiều vấn đề khác như cuộc sống mới, ngoại ngữ ban đầu còn hạn chế… thì kết quả học tập sẽ ra sao? Việc có được kết quả học tập tốt trên lớp, không chỉ giúp bạn có một hồ sơ xin học bổng đẹp mà còn quyết định tới sự thành công trong học tập của bạn khi đi du học. Do đó, thời điểm bạn cảm thấy kiến thức cơ bản của mình ổn nhất là lúc bạn có thể tính đến việc đi du học.
Ngoại ngữ là một công cụ không thể thiếu để đi du học. Ai cũng biết rằng để du học được thì trước tiên phải hiểu được giáo viên nói gì, đọc được tài liệu bằng ngôn ngữ mà mình sẽ học… Do vậy, việc đi du học vào lúc nào còn phụ thuộc vào thời điểm vốn ngoại ngữ của bạn “đủ dùng”. Vốn ngoại ngữ “đủ dùng” không giống nhau với từng chuyên ngành mà bạn định theo học. Các khối kinh tế, ngôn ngữ học, văn hóa… thường có yêu cầu ngoại ngữ cao hơn và toàn diện hơn (nghe, nói, đọc, viết) so với các khối ngành kỹ thuật. Ví dụ như để lượng hóa vốn tiếng Anh đủ dùng trong học tập và đời sống học bổng Chevening của Chính phủ Anh yêu cầu các ứng cử viên phải có IELTS 6,5 hoặc TOEFL iBT 79 trở lên. Các trường đại học/viện nghiên cứu ở Hàn Quốc như trường Đại học Ulsan cũng yêu cầu ứng viên Thạc sĩ, Tiến sĩ đáp ứng điều kiện tiếng Anh như trên, nhưng nếu qua phỏng vấn/liên lạc trực tiếp với giáo sư, giáo sư thấy khả năng tiếng Anh của ứng cử viên tốt thì người học không nhất thiết phải có ngay chứng chỉ tiếng Anh và có thể trả sau trước khi tốt nghiệp. Cũng có người có năng khiếu học ngoại ngữ lại được học từ nhỏ nên đã có đủ điều kiện về ngoại ngữ để đi du học từ khi còn ít tuổi. Tuy nhiên, với nhiều người việc chuẩn bị ngoại ngữ phải mất một thời gian không ngắn và rất cần sự kiên trì.
Kinh nghiệm sống là một yếu tố đôi khi chúng ta không quan tâm đến khi quyết định đi du học. Tuy nhiên, nó lại rất quan trọng với sự thành công của bạn khi học ở xứ người. Do vậy, nó cũng tham gia vào việc quyết định thời điểm nào bạn đã sẵn sàng để đi du học. Bạn phải biết rằng, khi đi du học là bạn phải tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình, không người thân, thời gian đầu không có hoặc ít bạn bè, thậm chí, trong một số trường hợp còn không có một người Việt Nam hay người châu Á nào học cùng hoặc ở nơi bạn học. Bạn đã chuẩn bị tốt tinh thần cho một cuộc sống như vậy chưa? Bạn có thể tự chăm sóc bản thân khi sống một mình như vậy không? Bạn có dễ thích nghi với cuộc sống mới, con người mới, đồ ăn mới… không? Nếu câu trả lời là “Có”, tức là bạn đã sẵn sàng đi du học. Nhiều bạn đã trải qua cuộc sống học tập xa nhà như học nội trú, học đại học xa nhà, sẽ hiểu một phần của cuộc sống mà bạn sẽ gặp phải khi đi du học. Sở dĩ tôi chỉ nói một phần là vì dù sao, học nội trú hoặc đại học xa nhà bạn vẫn được học trong môi trường toàn người Việt.
Bên cạnh những yếu tố trên, với các bạn có ý định đi du học bằng con đường học bổng, thì thời điểm du học còn phụ thuộc vào cơ hội xin học bổng. Các học bổng dành cho các bậc sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) thường nhiều và cao hơn so với bậc đại học, đương nhiên nhiều hơn so với bậc phổ thông. Do đó, đi du học bằng con đường học bổng có thể sẽ thích hợp hơn tại thời điểm sau đại học. Khi đó bạn không chỉ có kiến thức cơ bản khá vững được tích lũy từ các bậc học trước, mà còn có thời gian dài học ngoại ngữ, kinh nghiệm sống dồi dào và nhiều cơ hội xin học bổng hơn.
Nói tóm lại, thời điểm “chín muồi” để đi du học thành công là lúc bạn có đủ vốn kiến thức cơ bản, vốn ngoại ngữ và có thể sống một cách độc lập.
Cũng có trường hợp ngoại lệ, với các bạn đi du học theo diện trao đổi văn hóa hoặc sang học tiếng, thì thời điểm nên đi du học lại liên quan nhiều đến cơ hội, điều kiện kinh tế và mong muốn của bản thân. Những trường hợp đi du học mà ngôn ngữ sử dụng sẽ là ngôn ngữ nước đến học, và bạn mới học tiếng được khoảng 1 năm như du học đại học tại Nhật, Hàn… hoặc du học từ bậc đại học đến Tiến sĩ theo học bổng hiệp định, trao đổi ở Ba Lan, Nga, Hungary… thì yếu tố ngoại ngữ sẽ không quyết định nhiều tới thời điểm du học của bạn.
-
Người viếtBài viết
- Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.