Diễn đàn Diễn đàn Chuyện Du Học KHI NÀO NÊN ĐI DU HỌC?

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #317
    Thay Tony
    Quản lý

    KHI NÀO NÊN ĐI DU HỌC?

    Việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi trên là rất quan trọng, bởi lẽ nếu bạn không xem xét, cân nhắc kỹ, rất có thể du học với bạn trở thành một lựa chọn mang tính “phong trào”. Nếu không có một sự suy nghĩ chín chắn và thấu đáo, rất có thể lựa chọn du học không mang lại lợi ích như bạn mong đợi. Đối với các bậc phụ huynh, việc hiểu rõ về con em mình cũng giúp cho việc quyết định đi du học tốt hơn. Đừng nên ép buộc con em mình phải đi du học nếu chúng không muốn.

    Theo quan điểm cá nhân tôi, dưới đây là những yếu tố quyết định thời điểm “chín muồi” cho việc quyết định đi du học của các bạn và các bậc phụ huynh.

    • Tâm lý: Với du học sinh, khi tâm lý các bạn sẵn sàng thì việc chuẩn bị và lên kế hoạch du học với các bạn là một kế hoạch lớn của cuộc đời, và bạn sẽ thực hiện nó bằng tất cả tâm huyết và trí lực. Nhưng nếu bạn không muốn đi du học mà bị bố mẹ ép đi thì sự chán nản sẽ xuất hiện. Còn đối với các bậc phụ huynh, việc tạo dựng tâm lý cho con trước khi đi du học rất quan trọng, và quá trình đó nên kéo dài liên tục suốt quá trình du học. Quý vị nên thường xuyên liên lạc với con để khích lệ tinh thần, và đừng vội nhiếc móc nếu con bị điểm kém.

    • Tài chính: Vấn đề tài chính là vấn đề rất quan trọng với việc quyết định đi du học. Các vị phụ huynh cần cân nhắc khả năng tài chính của mình xem có chắc chắn hay không, đừng nên dự tính tương lai một cách tươi đẹp. Ví dụ quý vị có tiền đủ cho 2 năm học đầu tiên của con, và mặc định là 2 năm sau mình sẽ kiếm được một lượng tiền tương đương. Tuy nhiên khó ai đoán định được tương lai. Do đó, các phụ huynh nên để dành một khoản tiền đảm bảo tài chính cho con rồi mới gửi các em đi du học.

    Còn với các bạn trẻ, tôi biết nhiều bạn quá thèm khát du học nên chỉ cần được miễn giảm học phí là sẵn sàng lên đường, với suy nghĩ đơn giản là sang bên đó mình sẽ ăn uống tiết kiệm, hoặc mình sẽ đi làm thêm. Từng trải qua thời du học sinh nên tôi hiểu, có nhiều khó khăn mà các bạn không lường trước được. Đúng là các bạn có thể xin được việc làm, nhưng thử hỏi sau hàng giờ làm việc mệt mỏi, nặng nhọc về đến nhà bạn còn sức để học không? Một người bạn của tôi đã đi du học với ý nghĩ đơn giản như vậy, nhưng khi sang tới Mỹ thì sống rất kham khổ, ăn uống tiết kiệm không đảm bảo sức khỏe, rồi làm thêm vất vả. Cuối cùng cô ấy phải bỏ dở giữa chừng để về Việt Nam. Do vậy, chỉ nên đi du học khi bạn đảm bảo được tài chính, nhờ bố mẹ chu cấp hoặc có được một học bổng toàn phần. Đừng suy nghĩ vấn đề một cách quá lạc quan mà đánh giá thấp chuyện đảm bảo tài chính. Bạn đi du học là để học, chứ không
    phải là để làm thêm, kiếm tiền.

    • Kiến thức: Khi kiến thức nền của bạn không chắc chắn thì việc đi du học giống như đầu tư xây dựng một lâu đài trên nền cát yếu vậy. Nếu những kiến thức cơ bản, được học bằng tiếng Việt mà bạn vẫn còn nắm lơ mơ thì liệu có tiếp thu nổi những kiến thức cao cấp hơn bằng ngoại ngữ. Do đó, bạn nên chuẩn bị kiến thức nền tảng thật tốt bằng cách học thật tốt và học đều các môn ở trường. Đừng biến mình thành con “gà chọi” chỉ giỏi một vài môn để đi thi học sinh giỏi, trong khi các môn khác bạn quá yếu. Ở các nước phương Tây, người ta coi trọng sự phát triển hài hòa của một con người. Hãy học cả ở ngoài đời, học từ việc làm, học từ bạn bè, thầy cô và cha mẹ. Hãy học những thứ bạn đam mê hay yêu thích, như chơi một loại nhạc cụ, một môn thể thao. Đó cũng là những việc bạn nên làm để tạo nền tảng phát triển tri thức sau này.

    • Kinh nghiệm: Có rất nhiều bạn trẻ liên lạc và hỏi tôi về kế hoạch du học của các bạn ấy. Tôi thường khuyên rằng nếu ngành học đòi hỏi phải có kinh nghiệm đi làm thực tiễn thì các bạn nên kiên nhẫn, ra trường học xong đi làm 1-2 năm để hiểu sâu hơn về công việc và tính chất của công việc, khi đó đi du học không muộn. Ví dụ ngành Quản trị kinh doanh ở nhiều trường đại học yêu cầu sinh viên phải có số năm làm việc nhất định ở môi trường doanh nghiệp mới được đăng ký theo học. Các bạn cũng không nên quá nôn nóng bởi nếu không có kinh nghiệm, bạn sẽ khó bắt kịp việc học.

    • Vốn sống: Đi du học đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải sống ở một đất nước xa lạ, với những con người xa lạ, văn hóa khác lạ nên việc gặp phải nhiều tình huống mới lạ trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, bạn phải có một vốn sống nhất định và bản lĩnh thì mới sẵn sàng đương đầu với mọi vấn đề phát sinh trong thời gian đi du học. Vốn sống cũng là yếu tố quan trọng cho các bậc phụ huynh cân nhắc khi xem xét việc cho con em mình đi du học. Nếu các em còn quá nhỏ, vốn sống chưa nhiều thì khả năng trụ lại trong một môi trường học tập cạnh tranh nơi đất khách quê người sẽ rất hạn chế.

    Vốn sống không thể học được trong một sớm một chiều mà nó cần thời gian để tích lũy và không gian để phát triển. Thiếu kinh nghiệm sống có thể gây khó khăn cho các bạn trong việc hòa nhập vào môi trường mới. Khi không thể hòa nhập, bạn sẽ cảm thấy cô độc và nhanh chóng cảm thấy việc du học không còn thú vị nữa, bởi đi du học không chỉ có thời gian trên giảng đường, trên thư viện mà còn là khoảng thời gian bạn sống và tương tác với những cá nhân khác trong xã hội. Việc cô lập mình rất dễ gây ra những tác động không tốt tới tâm lý như chán nản, buồn rầu, trầm cảm hay tự kỷ. Thiếu vốn sống sẽ làm nhiều bạn du học sinh không biết phân biệt đúng sai, phải trái, dễ bị dụ dỗ mà sa ngã. Do vậy, nếu các bạn có kế hoạch đi du học trong thời gian tới, hãy tích lũy vốn sống càng sớm càng tốt để có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình du học.

    • Vốn ngoại ngữ: Chắc không cần phải nói nhiều, các bạn cũng hiểu ngôn ngữ quan trọng thế nào với giao tiếp trong xã hội. Nếu không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chỉ đi du học khi nào bạn cảm thấy vốn ngoại ngữ của mình đủ khiến bạn cảm thấy tự tin để sống độc lập ở nước ngoài. Nếu trình độ ngoại ngữ còn yếu, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong trao đổi, tranh luận trên lớp với giáo sư và bạn bè. Bạn cũng không hiểu giáo sư và bạn bè nói gì, từ đó dẫn đến buồn chán, thất vọng. Hơn nữa, đời sống du học đòi hỏi bạn phải va chạm với rất nhiều người khác nhau, trong những tình huống khác nhau. Ví dụ nếu chẳng may bạn bị ốm và phải đi bệnh viện, với khả năng ngoại ngữ kém, bạn sẽ không thể giải thích rõ tình trạng bệnh tật của mình với bác sĩ – một điều vô cùng bất lợi.

    • Sức khỏe: Đây cũng là vấn đề rất lớn mà bạn cần quan tâm khi đi du học. Ở đây, tôi muốn nói đến cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Nếu khỏe mạnh thì bạn sẽ có nhiều năng lượng để học tập. Thử tưởng tượng bạn là người ốm yếu, và đi du học cứ đau ốm liên miên thì làm sao có đủ sức học. Các bạn cũng nên lưu ý vấn đề sức khỏe của mình trong việc chọn trường, chọn nơi học. Ví dụ nếu bạn bị bệnh viêm xoang thì nên tránh những nơi thường xuyên giá lạnh.

    Ngoài thể chất, sức khỏe tinh thần thể hiện thông qua giấc ngủ, cảm xúc, độ hưng phấn, những ảo tưởng. Do chênh lệch múi giờ, nên thời gian đầu khi mới du học, nhiều du học sinh Việt Nam khi lên lớp rất buồn ngủ, nhưng tối đến lại rất tỉnh táo. Các bạn cần làm quen và thích nghi với đồng hồ sinh học mới, thậm chí nên luyện tập từ trước khi lên đường. Nếu mất ngủ triền miên thì cần đi bác sĩ, bởi nó sẽ ảnh hưởng tới thể lực của bạn, dẫn đến tình trạng kiệt sức. Nhiều bạn du học sinh rất chịu khó học thâu đêm suốt sáng, ngủ rất ít, nhưng điều đó cũng không tốt bởi lẽ nó có thể làm bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thiếu minh mẫn. Nếu thức đêm quá nhiều, cơ thể của bạn sẽ nhanh chóng bị suy nhược và thần kinh cũng bị ảnh hưởng.

    Kiểm soát cảm xúc cũng quan trọng. Nếu bạn là kiểu người vừa xa nhà đã không thể chịu nổi thì nên nghĩ lại. Thực tế, có nhiều bạn nữ khi đi du học đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà. Chuyện du học sinh Việt Nam khi sang nước ngoài du học bắt đầu có biểu hiện bất thường ở thần kinh là điều đã xảy ra. Do vậy, các bạn rất nên cân nhắc vấn đề sức khỏe cả thể chất và tinh thần trước khi đi du học.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.