Diễn đàn Diễn đàn Chuyện Du Học Đi Du Học Chúng Ta Được Gì?

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Người viết
    Bài viết
  • #290
    Thay Tony
    Quản lý

    1. Kiến thức: Trước hết, mục đích chính của việc đi du học là để học tập, do vậy du học đem lại cho bạn rất nhiều kiến thức mới. Ở đây, kiến thức mà các bạn tiếp thu được không chỉ bó hẹp trong khuôn viên của trường, trên giảng đường hay trong thư viện. Khi đi du học, cuộc sống mới lạ và những việc bé nhỏ mỗi ngày, cùng những con người mới mà bạn gặp cũng có thể cho bạn thêm nhiều bài học, kiến thức bổ ích. Nếu có điều kiện đi du học ở các quốc gia tiên tiến, bạn sẽ được hưởng thụ một hệ thống giáo dục với chất lượng hàng đầu thế giới, lượng kiến thức cần tiếp thu sẽ rất lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của các bạn mà thôi. Giáo dục ở các nước tiên tiến là giáo dục mở mà ở đó người học là trung tâm, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn phương pháp, nên việc có thêm các kiến thức mới là điều hoàn toàn do bạn chủ động. Hơn nữa, trong một môi trường học thuật cao, bạn sẽ được học hỏi không những từ các giáo sư, giảng viên giỏi mà ngay cả bạn bè từ khắp nơi trên thế giới nữa. Khi đi du học, hãy thường xuyên lui tới thư viện. Ở các trường đại học, thư viện được xem như “bộ não tri thức” của trường. Thư viện ở các trường đại học có hàng vạn đến hàng triệu đầu sách với rất nhiều chủ đề, lĩnh vực khác nhau để bạn chọn đọc. Có rất nhiều sách quý và rất hiếm, do vậy bạn nên tranh thủ sử dụng thư viện hiệu quả khi đi du học, để khỏi hối tiếc sau khi về nước vì đã không tận dụng hết sự hữu ích của nó.

    2. Ngoại ngữ: Đi du học là cách tốt nhất để học một ngôn ngữ nước ngoài. Tuy không phải ai cũng có điều kiện, nhưng nếu được sang Anh hay sang Mỹ để học tiếng Anh thì rất lý tưởng. Nó mang lại cho bạn những cơ hội tuyệt vời để nâng cao trình độ và khả năng vận dụng ngoại ngữ vào cuộc sống hàng ngày. Không có trải nghiệm ngôn ngữ nào tốt hơn được sống trong môi trường bản địa và thường xuyên tiếp xúc với văn hóa địa phương. Khi đi du học ở Mỹ, tôi phải sử dụng tiếng Anh hàng ngày: Lên lớp phải trao đổi bài vở với thầy cô và bạn bè bằng tiếng Anh, về nhà làm bài tập cũng bằng tiếng Anh, xem tivi cũng toàn tiếng Anh, trò chuyện với bạn cùng phòng cũng bằng tiếng Anh, tất cả mọi thứ sinh hoạt trong cuộc sống cũng phải sử dụng tiếng Anh. Đó chẳng phải là cơ hội để bạn rèn luyện khả năng sử dụng ngoại ngữ tuyệt vời hay sao? Chính vì vậy, lời khuyên của tôi với các bạn du học sinh là khi sang nước ngoài học, hãy tìm mọi cơ hội giao lưu với người nước ngoài để trau dồi ngoại ngữ và học hỏi thêm từ họ. Đừng sang nước ngoài du học rồi tụm năm, tụm ba người Việt Nam thuê nhà ở chung với nhau để cảm thấy gần gũi, để được nói tiếng Việt. Chẳng phải các bạn sẽ nói tiếng Việt trong suốt cuộc đời của mình hay sao? Bạn sẽ thấy là nếu sử dụng ngoại ngữ hàng ngày như tiếng mẹ đẻ thì khả năng ngoại ngữ của bạn sẽ tiến triển rất nhanh mà chính bản thân bạn cũng không kịp nhận ra. Điều quan trọng nhất với du học sinh Việt Nam là phải mạnh dạn hơn trong giao tiếp, đừng sợ mình nói sai, phát âm không chuẩn mà ngại tiếp xúc, ngại tranh luận bằng ngoại ngữ. Hãy tận dụng một lợi ích rất lớn của du học: môi trường để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Đây cũng là một trong những lợi thế của du học sinh khi về nước xin việc làm.

    3. Trình độ: Du học là cơ hội để bạn nâng cao trình độ, cho dù bạn đi du học ở cấp đại học hay sau đại học. Sau khi học xong, trình độ của bạn sẽ vươn lên một tầm cao mới. Nếu so sánh với một người có bằng cấp tương tự, bằng cấp có được sau quá trình tu luyện ở nước ngoài của bạn bao giờ cũng được đánh giá cao hơn. Trong quá trình làm việc của mình, tôi nhận ra rằng các bạn du học sinh Việt Nam với bằng cử nhân ở một trường nước ngoài thì có trình độ nhận thức cao hơn các bạn tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Điều này cũng dễ hiểu bởi trình độ của một con người phản ánh qua nền tảng giáo dục mà người đó được hưởng thụ. Ở những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến bậc nhất trên thế giới, việc có một tấm bằng tại một trường danh tiếng cũng là một chỉ dấu cho chất lượng và trình độ của sinh viên nơi đó rồi.

    4. Tư duy: Đi du học, bạn sẽ được trải nghiệm một môi trường học tập mới nơi bạn có thể thay đổi tư duy của mình. Môi trường học tập ở các nước có nền giáo dục tiên tiến là một môi trường hoàn toàn mở, nơi sinh viên có thể thảo luận, tự do suy nghĩ, phát triển ý tưởng của bản thân. Sinh viên sẽ có thể tham gia tranh luận với giáo viên và các bạn cùng lớp về nhiều chủ đề khác nhau mà hoàn toàn không sợ bị giáo viên ghét bỏ. Đây cũng là điều tôi rất thích khi đi du học, bởi khi đó, trong các giờ học, chúng tôi được giáo sư hướng dẫn thảo luận. Chúng tôi hoàn toàn thoải mái trong việc đưa ra các lập luận của mình và tranh luận với các bạn cùng lớp. Quan điểm của chúng tôi có thể không trùng với quan điểm của giáo viên và các bạn, nhưng tinh thần của lớp học đã khuyến khích cho chúng tôi xây dựng một tư duy độc lập, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. Hơn nữa, ở môi trường học tập mới này, họ rèn luyện cho chúng tôi kỹ năng phân tích, tư duy phản biện, đánh giá vấn đề đa chiều. Và các thầy cô thì khuyến khích sinh viên tìm hiểu thật nhiều nguồn khác nhau, từ sách vở, báo chí hay Internet để có dẫn chứng bảo vệ luận điểm của mình. Tôi tin rằng nếu bạn hỏi một du học sinh, chắc chắn bạn sẽ thấy họ đều đồng ý rằng tư duy là thứ họ thay đổi nhiều nhất khi đi du học.

    5. Kỹ năng: Du học là một cơ hội rất tốt để bạn rèn luyện các kỹ năng, chính là điều rất thiếu ở môi trường giáo dục Việt Nam. Chương trình giáo dục ở nước ngoài không dành trọn thời gian cho phần lý thuyết mà dành rất nhiều thời gian cho thực hành. Họ cũng rất chú trọng tới việc phát triển các kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, trình bày trước đám đông, thương thuyết, giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột, đàm phán,… Các kỹ năng được lồng ghép khéo léo vào chương trình giảng dạy thông qua các bài tập nhóm, bài tập phân vai, hay lớp học mô phỏng. Tiếp xúc với các bạn sinh viên Việt Nam đi du học về, tôi thấy kỹ năng mềm của họ tốt hơn so với các bạn sinh viên ở các trường đại học Việt Nam. Tôi không nghĩ rằng các bạn học trong nước kém cỏi hơn, nhưng các bạn đi du học có nhiều cơ hội hơn để thực hành, và quan trọng hơn cả là họ có một môi trường giáo dục cởi mở mà ở đó người học được khích lệ để nói lên quan điểm, ý nghĩ của mình một cách thoải mái. Đối với phát triển kỹ năng, sự tự tin có vai trò rất quan trọng, trong khi sinh viên Việt Nam mang tâm lý rụt rè, nhút nhát khá phổ biến.

    6. Thu nhập: Du học là một cơ hội rất tốt để bạn nâng cao thu nhập của mình. Nếu sau khi hoàn thành khóa học và có cơ hội ở lại nước sở tại làm việc, chắc chắn tôi không cần phân tích nhiều thì các bạn cũng có thể hiểu thu nhập khác biệt như thế nào. Liệu không đi du học, bạn có cơ hội làm việc tại nước ngoài như vậy không? Chắc chắn là rất khó. Tuy nhiên so sánh thu nhập ở nước ngoài với thu nhập ở trong nước vẫn khập khiễng quá. Tôi muốn so sánh thu nhập của du học sinh về nước với những người học trong nước. Chắc chắn bạn sẽ thấy du học sinh về nước thường có thu nhập cao hơn một người có bằng cấp tương đương nhưng học ở trong nước. Khi tham gia tuyển dụng cho các dự án, tôi nhận thấy ứng viên tốt nghiệp ở đại học nước ngoài thường được nhận lương cao hơn và dễ được lựa chọn hơn bởi các lý do về trình độ, năng lực, và kỹ năng được tấm bằng nước ngoài bảo đảm. Với khả năng ngoại ngữ hơn hẳn, những bạn du học sinh thường có cơ hội được làm cho những tập đoàn, công ty nước ngoài mà chế độ lương, thưởng của họ hơn hẳn so với các công ty trong nước. Ở đây, tôi cũng muốn lưu ý với các bạn sinh viên là khi nói tới “thu nhập”, các bạn đừng chỉ nghĩ tới chuyện tiền lương. Ngoài lương, có những thứ mà các bạn được hưởng cũng rất quan trọng với sự phát triển con người và sự nghiệp của bạn như được tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước, các phúc lợi xã hội khác…

    7. Cơ hội tìm việc làm: Có thể khi mới về nước, các bạn sẽ gặp phải khó khăn ban đầu trong quá trình tìm một việc làm ưng ý với trình độ và bằng cấp của mình. Hãy chấp nhận một thực tế là dù bạn có kiến thức, trình độ nhưng thời gian đi học cũng khiến bạn đánh mất từng đó thời gian tích lũy “kinh nghiệm thực tiễn”, điều mà bây giờ nhà tuyển dụng quan tâm hơn mảnh bằng tốt nghiệp. Tuy nhiên về dài hạn, cơ hội việc làm cho các bạn du học sinh về nước rất nhiều. Các bạn có lợi thế cạnh tranh rất lớn khi nộp hồ sơ ứng tuyển vào các tổ chức, công ty nước ngoài. Cựu du học sinh thường có cơ hội nám giữ vị trí cao trong các tổ chức coi trọng tài năng năng lực, do đó cơ hội thăng tiến cũng rất rộng mở.

    8. Kết nối: Du học là một cơ hội tuyệt vời để bạn kết nối với rất nhiều người từ khắp nơi trên thế giới. Thế giới bây giờ đã phẳng hơn và khi đi du học, chẳng hạn ở Mỹ, bạn sẽ không chỉ gặp người Mỹ mà còn rất nhiều người từ nhiều quốc gia khác nhau như Trung Quốc, Ấn Độ, hoặc từ Châu Âu, Nam Mỹ. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn làm quen, kết bạn và tạo dựng một mạng lưới kết nối xã hội. Nó là một dạng thức của vốn xã hội (social capital) mà trong thời đại thế giới phẳng này rất có giá trị trong cuộc sống cũng như trong công việc. Thử tưởng tượng đến đâu bạn cũng có người quen, hoặc được nhiều “người quen của người quen” giúp đỡ thì tuyệt vời thế nào. Chưa kể trong công việc, các mối kết nối từ thời du học lại giúp bạn tạo nên những cơ hội hợp tác, kinh doanh vô giá mà không dễ gì bạn có được.

    9. Khám phá: Bản thân tôi cho rằng học không chỉ liên quan đến kiến thức, sách vở trên giảng đường, mà còn từ môi trường bạn sống, từ trải nghiệm về con người, văn hóa ở những nơi bạn đặt chân đến. Thời còn đi học ở Mỹ, mỗi kỳ nghỉ (nghỉ hè hoặc nghỉ đông) tôi đều dành dụm tiền để đi tới những vùng đất mới của nước Mỹ rộng lớn. Mỗi chuyến đi cho tôi thêm rất nhiều trải nghiệm mới lạ về sự hùng vĩ và đẹp tươi của thiên nhiên nước Mỹ, sự đa dạng văn hóa của nước Mỹ. Du học là một cơ hội vượt ra khỏi giới hạn địa lý thông thường của mình, do vậy tôi tin các bạn nên tranh thủ thời gian và cơ hội này để du lịch và khám phá cuộc sống mới lạ xung quanh. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh là khi đó, việc học vẫn quan trọng nhất chứ không phải du lịch. Hãy hình thành một nếp sống “học hết sức, chơi hết mình”. Trong học kỳ, hãy học tập siêng năng, chăm chỉ, rồi tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ lễ đi du lịch, khám phá để cân bằng lại cuộc sống và tận hưởng những khoảng thời gian thú vị trong quãng đời du học của bạn.

    10. Công dân toàn cầu: Quốc tịch chỉ là vấn đề mang tính pháp lý, chứ không thể cản trở việc bạn trở thành một công dân toàn cầu. Thế giới thật rộng lớn khi bạn chưa bao giờ bước ra khỏi lãnh thổ của nước mình. Nhưng một khi bạn đã đặt chân sang một quốc gia khác, bạn sẽ thấy giờ đây thế giới đã trở nên vô cùng nhỏ bé. Với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, mọi nơi trên thế giới đều có thể được biết đến hoặc được con người đặt chân đến. Khái niệm biên giới dường như trở nên mờ nhạt hơn, và khái niệm công dân toàn cầu sẽ trở nên phổ biến trong tương lai. Du học là cơ hội tuyệt vời để bạn có thể trải nghiệm cuộc sống của một công dân toàn cầu.

    11. Được độc lập, tự do: Đi du học, bạn sẽ là người tự quyết nhiều điều cho chính bản thân mình. Bạn được tự chủ, bạn cảm thấy mình đã trưởng thành, đã có thể sống xa bố mẹ, có thể chịu trách
    nhiệm về quyết định của mình. Cảm giác đó thật tuyệt vời.

    Tuy nhiên bạn phải biết kiểm soát sự tự do của mình. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh cho điều đó, nên hãy lắng nghe ý kiến của cha mẹ vì họ sẽ không khuyên điều gì gây hại cho bạn. Có thể thời trẻ bạn có nhiều bất đồng với cha mẹ, nhưng khi trưởng thành và trải nghiệm nhiều, ngẫm lại những gì từng khiến bạn khó chịu, bạn sẽ thầm cảm ơn họ.

    12. Trải nghiệm mới: Đi du học cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn trải nghiệm những điều mới. Tuyết là một trong những ví dụ thú vị. Rất nhiều bạn du học sinh ở những nước lạnh giá đều tò mò xem cảm giác được nắm những bông tuyết trắng tinh, lạnh buốt, nhẹ tựa bông trên bàn tay như thế nào. Cảm giác háo hức chờ được nhìn thấy tuyết rơi lần đầu tiên trong đời cũng thú vị như chúng ta đợi chờ thời khắc giao thừa vậy. Bạn sẽ được tham gia các trò chơi với tuyết rất vui như ném tuyết, nặn người tuyết hay trượt tuyết.

    Du học với tôi không chỉ là học, mà điều vô cùng thú vị, cũng có thế gọi là lợi ích của nó, chính là cơ hội trải nghiệm những thứ lần đầu tiên mình được biết đến trong đời. Cái cảm giác đó làm ta thấy cuộc sống thật thú vị và cần phải khám phá tiếp, như văn hóa của nước bản địa, ngôn ngữ, âm nhạc và các món đặc sản của từng vùng đại diện cho tinh hoa ẩm thực của nước bản địa. Đó chẳng phải là những thứ tuyệt vời lần đầu tiên trong đời ta được trải nghiệm nhờ đi du học hay sao? Một cuộc phiêu lưu mà bạn là nhân vật chính.

    13. Ước mơ sau tay lái: Bạn có thể sở hữu một chiếc xe hơi ngay từ khi còn là sinh viên, lý do không phải vì bạn có nhiều tiền mà vì xe hơi ở nước ngoài rất rẻ và phổ biến như xe máy ở Việt Nam vậy. Với 3.000–4.000 USD bạn có thể mua được một chiếc xe hơi cũ tàm tạm để đi chợ, đi chơi cuối tuần. Như đã chia sẻ trong câu chuyện về cuộc đời mình, nhà tôi không giàu có, hồi đi học tôi chỉ tiết kiệm học bổng Fulbright mấy tháng đầu để mua một chiếc Toyota Corolla. Sau khi chiếc thứ nhất bị… tông hỏng, tôi mới phải mua chiếc xe thứ hai!

    Ở Mỹ hay nhiều quốc gia khác, cứ đủ 16 tuổi là bạn có thể thi bằng lái, mà thi không khó như ở Việt Nam. Chi phí lấy bằng cũng rất rẻ, chỉ khoảng 10–20 USD so với hàng chục triệu khi thi trong nước. Do vậy, du học là một cơ hội tốt để thực hiện ước mơ sở hữu xe hơi của mình. Một phần của văn hóa Mỹ là văn hóa xe hơi. Hãy trải nghiệm nếu bạn có điều kiện và thực sự muốn điều đó.

Đang xem bài viết thứ 1 (trong tổng số 1 bài viết)
  • Bạn cần đăng nhập để phản hồi chủ đề này.